Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI THEO CHỦ ĐỀ - PHƯƠNG TIỆN GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG HIỆU QUẢ CHO TRẺ MẪU GIÁO - Bùi Thị Thu Thủy

 

 

Đặt vấn đề

 

Trò chơi khi được thiết kế hay lựa chọn nhằm mục đích giáo dục thì đương nhiên có chức năng giáo dục. Ở lứa tuổi mẫu giáo, trò chơi giúp nhà trường và gia đình giáo dục trẻ em ở rất nhiều mặt: thẩm mĩ, đạo đức, trí tuệ, tình cảm, thể chất, vận động, ngôn ngữ v.v…Bản thân kĩ năng sống có tính chất tích hợp. Bản chất của trò chơi đóng vai theo chủ đề là phóng tác những hoạt cảnh và tình huống của cuộc sống. Vậy giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo bằng trò chơi thì như thế nào, liệu có kết quả ra sao là vấn đề rất cần được giải đáp cụ thể. Muốn trả lời câu hỏi đó, phải làm rõ vai trò của trò chơi nói chung và trò chơi đóng vai theo chủ đề trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo.

 

 

1. Quan niệm kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống

 

          1.1. Quan niệm kĩ năng sống

 

Có nhiều quan niệm khác nhau về kĩ năng sống.Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) coi kĩ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày, đồng thời coi kĩ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục đó là: Học để biết (Learn to know); Học để làm (Learn to do); Học để chung sống với người khác (Learn to live together); Học để tự khẳng định mình (Learn to be)[1].

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ góc độ sức khỏe xem xét kĩ năng sống là những kĩ năng thiết thực mà con người cần để có cuộc sống an toàn và khỏe mạnh. Rộng hơn, kĩ năng sống là những năng lực mang tính tâm lí xã hội và kĩ năng về giao tiếp để tương tác hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày.[1]

 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), kĩ năng sống là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới.[1]

 

Ngoài ra còn có những quan niệm khác nhấn mạnh kĩ năng sống như khả năng điều chỉnh và quản lí hiệu quả những nhu cầu của mình.

 

Theo Đặng Thành Hưng, kĩ năng sống là những kĩ năng giúp cá nhân thích ứng tốt với hoàn cảnh sống và giải quyết ổn thỏa những vấn đề của cuộc sống qua việc sử dụng phù hợp tri thức, những kĩ năng khác và kinh nghiệm của mình, cho phép cá nhân có thể sống hạnh phúc, hiệu quả và thành công. Có nghĩa là, kĩ năng sống là kĩ năng sử dụng các kĩ năng, sử dụng các tri thức đã có. Ví dụ, trong thành phần kĩ năng sống vẫn có thể có kĩ năng giao tiếp hay kĩ năng thương lượng, nhưng kĩ năng giao tiếp với vai trò là kĩ năng sống khi cá nhân sử dụng để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cá nhân. Khi Giáo viên trò chuyện với cha mẹ học sinh về sức khỏe của học sinh, khi đó kĩ năng giao tiếp là kĩ năng nghề nghiệp, nhưng khi GV muốn tìm hiểu qua phụ huynh về một địa chỉ điều trị tin cậy cho con mình, khi đó kĩ năng giao tiếp của GV giữ vai trò kĩ năng sống HS[4].Theo quan niệm của Đặng Thành Hưng, kĩ năng sống bao gồm nhóm kĩ năng thích ứng với hoàn cảnh sống và nhóm kĩ năng giải quyết vấn đề của cuộc sống.

 

1.2. Quan niệm giáo dục kĩ năng sống

 

          Theo Nguyễn Thanh Bình, giáo dục kĩ năng sống là hình thành cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, là xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp người học có cả kiến thức, giá trị, thái độ và các kĩ năng thích hợp [2].

 

Theo Lê Bích Ngọc, giáo dục kĩ năng sống là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan với kiến thức và thái độ, giúp cá nhân ý thức về bản thân, quan hệ xã hội, giao tiếp, thực hiện công việc, ứng phó có hiệu quả với các yêu cầu, thách thức của cuộc sống hàng ngày thông qua những quan hệ liên nhân cách trong điều kiện sống cụ thể.Quá trình giáo dục kĩ năng sống được xác định bởi các thành tố: đối tượng tham gia, mục đích,nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, đánh giá [3].

 

Những quan điểm trên nói về những việc phải làm, nội dung, con đường, hình thức, ý nghĩa, mục tiêu… của giáo dục kĩ năng sống, chứ không phải khái niệm giáo dục kĩ năng sống. Theo Đặng Thành Hưng, giáo dục kĩ năng sống là một nhiệm vụ giáo dục quan trọng nhằm giúp trẻ phát triển kĩ năng sống của chính mình như bộ phận hạt nhân của năng lực và bản lĩnh sống [4]. Còn để thực thi nhiệm vụ giáo dục này, phải có chương trình, phương pháp, biện pháp, môi trường, phương tiện, các hoạt động và quan hệ sư phạm v.v… thích hợp mà một trong những con đường hiệu quả chính là trò chơi.

 

2. Khái niệm và đặc điểm của trò chơi đóng vai theo chủ đề (TCĐVTCĐ)

 

          Theo Đ. B. Enconhin, trò chơi của con người (человеческая игра) là hoạt động mà trong đó một phần các quan hệ xã hội giữa người và ngườiđược tái tạo lại trong những hoàn cảnh không thực. Trò chơi của con người là sự xây dựng lại hoạt động của con người, trong đó bản chất xã hội của nó được làm rõ, đặc biệt là tính người – chức năng xã hội của con người cũng như các chuẩn mực, quan hệ giữa người và người [7].

 

Trò chơi đóng vai theo chủ đề (TCĐVTCĐ) là hình thức mô hình hóa thế giới người lớn được trẻ dựng nên và hoạt động bên trong mô hình đó. Chính vì vậy có thể hiểu: TCĐVTCĐ là loại trò chơi mà trẻ mô phỏng lại một mảng nào đó của cuộc sống trong xã hội con ngườibằng việc nhập vào (hay còn gọi là đóng vai) một nhân vật để thực hiện chức năng xã hội, quan hệ xã hội, những ứng xử và hành vi xã hội thể hiện giá trị đạo đức, xã hội của nhân vật đó.Hiểu theo nghĩa giáo dục, TCĐVTCĐ là môi trường hoạt động và giao tiếp của trẻ được định hướng vào các mục tiêu giáo dục.

 

          Trò chơi ĐVTCĐ là loại trò chơi mang những đặc điểm sau đây:

 

-         Đây là trò chơi theo nhóm, các thành viên trong nhóm tham gia tự nguyện cùng chơi với nhau.

 

-         Trò chơi thể hiện một phần của cuộc sống xã hội, nên luôn gắn với một chủ đề nào đó gắn với các vị thế xã hội hay một sự kiện xã hội nhất định như gia đình; công viên; buổi sinh nhật; lớp học.

 

-         Trò chơi ĐVTCĐ bao giờ cũng có vai chơihành động chơi. Các vai chơi (các nhân vật trong trò chơi) và các hành động chơi luôn gắn với các chủ đề trò chơi. Trò chơi “Gia đình” hay có vai mẹ con; Trò chơi lớp học có vai cô giáo và học sinh.

 

-         Trò chơi ĐVTCĐ là nơi trẻ có thể nhập vào các mối quan hệ xã hội. Các hành động chơi của trẻ đều phải thể hiện các quan hệ xã hội và phù hợp với vị thế xã hội của các nhân vật mà trẻ thủ vai, phù hợp với các chuẩn mực xã hội tương ứng.

 

-         Trò chơi ĐVTCĐ mang tính biểu trưng cao, đặc biệt thể hiện qua các đồ dùng sử dụng có tính ước lệ cao.[6]

 

3. Vai trò của trò chơi đóng vai theo chủ đề trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo

 

Trò chơi đóng vai theo chủ đề có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo bởi trò chơi này mô phỏng lại cuộc sống xã hội theo nhận thức và cách cảm nhận của trẻ thơ.

 

- Trò chơi đóng vai theo chủ đề giúp trẻ nhận thức về những quan hệ xã hội, về những vị thế xã hội (social status), về các cách ứng xử giữa con người với con người trong cuộc sống. Trẻ hiểu biết thêm về các nghề nghiệp trong xã hội, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, xã hội cần tuân thủ. Nhờ thế, trẻ có thể biết nhận xét và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với các chuẩn mực trên, tạo cơ hội nhanh chóng thích ứng với những thay đổi khi phải di chuyển sang môi trường sống mới. Trẻ cũng dễ dàng nhận biết những người có thể cung cấp thông tin, có thể hỗ trợ, giúp đỡ trẻ trong những tình huống cần thiếttùy theo hoàn cảnh. Hay nói cách khác, TCĐVTCĐ giúp trẻ có tri giác xã hội nhanh hơn, chính xác hơn, nắm được những dấu hiệu bản chất nhất.

 

- Trò chơi đóng vai theo chủ đề tạo cơ hội cho trẻ bắt chước những mẫu hành vi để thích ứng và giải quyết vấn đề trong những tình huống cụ thể được mô phỏng qua trò chơi. Những mẫu hành vi như chào hỏi, tự giới thiệu, hỏi thăm khi cần biết thêm thông tin….đều được trẻ lĩnh hội tự nhiên, dễ dàng khi đóng vai người bán hàng hay em bé đang bị lạc đường.Trẻ cũng có cơ hội thực hành các kĩ năng sống khi thể hiện các vai chơi khác nhau. Với mỗi vai chơi khác nhau, trẻ lại phải vận dụng những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân để thể hiện các hành động, cách ứng xử, tình cảm, thái độ…phù hợp với vai trẻ đóng để làm sao cho giống thật. Hay nói cách khác là từ hành động nhập vai chơi này thì nhóm kĩ năng thích ứng với hoàn cảnh sống của trẻ được hình thành và phát triển.Ví dụ với trò chơi “Bác sĩ”, khi là bệnh nhân vào khám bệnh, trẻ cần biết chào bác sĩ, biết kể các dấu hiệu bệnh, biết thực hiện theo các yêu cầu của bác sĩ, biết hỏi lại khi chưa hiểu rõ những lời hướng dẫn điều trị của bác sĩ, biết cảm ơn sau khi đã được khám chữa bệnh. Tuy nhiên khi là bác sĩ thì trẻ cần biết công việc của bác sĩ là khám chữa bệnh cho bệnh nhân, biết lựa chọn trang phục, đồ dùng dụng cụ sao cho phù hợp với công việc, bác sĩ thì phải có thái độ ân cần nhẹ nhàng, quan tâm đến bệnh nhân. Để giải quyết các tình huống xảy ra trong trò chơi, trẻ lại phải huy động những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân để giải quyết các tình huống này sao cho ổn thỏa nhất có thể.

 

- Trò chơi đóng vai theo chủ đề tạo cơ hội cho trẻ thực hành các mẫu hành vi thích ứng, cách lựa chọn phương án giải quyết vấn đề, thực hành cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống qua quan hệ thực giữa các bạn chơi. Trong trò chơi đóng vai, trẻ được thực hành các kĩ năng sống đa dạng từ khi cùng nhau tạo lập nhóm chơi, thảo luận lựa chọn chủ đề chơi, thống nhất nội dung chơi, phân công vai chơi, chuẩn bị đồ dùng cho trò chơi, phối hợp trong quá trình chơi.

 

- Trò chơi đóng vai theo chủ đề là môi trường thuận lợi để giáo dục giá trị sống cho trẻ, tạo nhiều cơ hội giúp trẻ cảm nhận, trải nghiệm, hợp tác và thử nghiệm các giá trị gần gũi với cuộc sống, con người và môi trường sống. Những giá trị như yêu thương, tôn trọng, hợp tác, trung thực, đoàn kết.. được trẻ cảm nhận khi đóng vai chơi, khi thể hiện thái độ quan tâm đến người khác, khi thực hiện các hành vi chăm sóc, chúc mừng, giúp đỡ,hoặc khi được tiếp nhận những cảm xúc, những hành vi và lời nói tương tự. TCĐVTCĐ giúp gắn kết những kĩ năng sống chặt chẽ với các giá trị sống, nâng cao tính xã hội và nhân văn cho các kĩ năng sống cần giáo dục ở trẻ mầm non. Sự phát triển nhận thức xã hội, giao tiếp, hành vi xã hội v.v…và giá trị ở trẻ là cơ sở để phát triển năng lực đánh giá và tự đánh giá nói riêng, tiến tới phát triển năng lực tự quản lí của trẻ nói chung.

 

- Môi trường trò chơi cũng gần như là sự tái hiệnđời sống xã hội, đòi hỏi trẻ phải tích cựcáp dụng những hiểu biết và kĩ năng nói riêng, kinh nghiệm nhận thức, văn hóa, đạo đức, pháp luật… nói chung đểứng xử hiệu quả trước cáchoàn cảnh, nhiệm vụ chơi tương tự các hoàn cảnh, nhiệm vụ hiện thực. TCĐVTCĐ là môi trường hoàn hảo để trẻ có cơ hội tương tác với nhiều thành viên khác nhau trong trò chơi, với các vai chơi khác nhau. Ở trò chơi này, bé đóng vai chú cảnh sát, nhưng ở trò chơi khác, bé đóng vai cô y tá, do vậy, trẻ cũng phải thay đổi hành vi và thái độ của mình linh hoạt phù hợp vai chơi và tình huống chơi.

 

Tuy vậy, những vai tròđó của trò chơi đóng vai theo chủ đềtrong giáo dục kĩ năng sống chỉ thực sự được thể hiện nếu trò chơi và nội dung chơi bảođảm tính thực tiễn sinh động, không sa đà vàolối diễn kịch, có tính chất tự nhiên, hạn chế tính giả tạo, tính hình thức.

 

TCĐVTCĐ thực sự vẫn là sự mô phỏng cuộc sống, không phải cuộc sống thực, vì vậy nó chỉ có thể giữ vai trò chuẩn bị những tiền đề cho hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mầm non, đặc biệt trong lĩnh vực nhận thức (giá trị, hành vi, xúc cảm). Kĩ năng sống chỉ hình thành trong cuộc sống thực của trẻ, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, với gia đình, với bạn bè.., qua trải nghiệm của chính đứa trẻ. Vì vậy, nếu chỉ sử dụng TCĐVTCĐ, hoặc phim ảnh, hoặc truyện kể… để giáo dục kĩ năng sống thì không thể thành công.

 

4. Kết luận

 

Giáo dục kĩ năng sống là việc làm cần thiết ngay từ lứa tuổi mầm non. Kĩ năng sống không phải sinh ra đã có mà được rèn luyện qua quá trình học tập, lĩnh hội và trải nghiệm trong cuộc sống.Chính điều này phân biệt kĩ năng sống ở người với bản năng sống ở loài vật. Trò chơi đóng vai theo chủ đề giữ vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị tiền đề để giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo, giúp trẻ nhận thức tốt hơn về các giá trị sống, các mẫu hành vi, các cách thức ứng xử để thích ứng và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

 

Tài liệu tham khảo

 

[1]Nguyễn Thanh Bình (2013), Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học phổ thông, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

[2] Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Sinh (2011), Giáo dục học mầm non, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

[3]Lê Bích Ngọc(2013), Giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

 

[4] Đặng Thành Hưng (2015), Quan niệm kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống, Bài giảng cao học Đại học sư phạm Hà nội 2.

 

[5] Nguyễn Ánh Tuyết (2007), Giáo dục mầm non những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

[6] Đinh Văn Vang (2009),Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mầm non,NXB Giáo dục Việt Nam.

 

[7] Д.Б. Эльконин (2012), Психология игры, địachỉWeb:

 

http://www.ozon.ru/context/detail/id/20882004/, ISBN 978-5-458-36048-7, с. 6-12]

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội