Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM BẰNG HÌNH THỨC THAM QUAN HỌC TẬP TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG Ở TRƯỜNG THCS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH - Thạc sỹ: Phan Thị Hiền

 

 

1. Mở đầu

 

            Đối với bộ môn Lịch sử, trong đó có các giờ học Lịch sử địa phương, hình thức dạy học bằng cách tổ chức hoạt động trải nghiệm thăm quan học tập tại các di tích lịch sử, văn hóa đã và đang được vận dụng trong dạy học ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, trên thực tế các tiết học Lịch sử địa phương ở các trường THCS vẫn chưa được coi trọng, thậm chí ở một số trường giáo viên không giảng dạy phần lịch sử địa phương mặc dù trong phân phối chương trình bắt buộc phải tiến hành biên soạn và giảng dạy. Vì vậy, học sinh hiểu về Lịch sử địa phương còn rất hạn chế, làm cho các giờ học LSĐP trở nên khô khan, căng thẳng. Với lý do trên, ở bài viết này tôi muốn đề cập đến vai trò của hoạt động trải nghiệm bằng hình thức tham quan học tập và vận dụng hình thức này trong dạy học lịch sử (DHLS) địa phương ở trường THCS.

 

II. NỘI DUNG

 

1. Vai trò của HĐTN trong dạy học LSĐP bằng hình thức tham quan

 

            - HĐTN bằng hình thức tham quan là một hình thức tổ chức học tập thực tế hấp dẫn với HS, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng năng khiếu, khả năng sáng tạo cho HS. Trước hết, nó góp phần tạo ra những biểu tượng cụ thể về những sự kiện lịch sử liên quan. Thứ hai, nó còn giúp HS kiểm tra, sửa chữa, làm chính xác, cụ thể hóa những kiến thức HS đã được học. Cuối cùng, nó góp phần tạo mối liên hệ giữa tri thức lịch sử được học với thực tiễn, giữa nhà trường với xã hội.       - Thông qua việc tham gia vào các hoạt động tham quan trải nghiệm, học sinh được phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Chủ động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động, từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động.

 

            - Tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc với các di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề… nơi các em đang sống, học tập, giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước, hiểu được các giá trị lịch sử truyền thống và hiện đại, giúp các em có được những kinh nghiệm từ thực tế, từ các mô hình, cách làm hay và hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em.

 

2. Quy trình thiết kế và tổ chức thực hiện HĐTN bằng hình thức tham quan học tập

 

            - Bước 1: Lập kế hoạch trải nghiệm (lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức HĐTN)

 

            Căn cứ vào mục tiêu của môn học, nội dung của sách giáo khoa, phân phối chương trình, ưu thế của từng địa phương, nhu cầu, hứng thú của HS mà GV xác định nội dung trải nghiệm cho phù hợp với đối tượng và khả năng nhận thức. GV nên ưu tiên chọn những địa điểm gần địa bàn nhà trường.

 

            Địa điểm tổ chức HĐTN: có thể là các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, thư viện, làng nghề…và phải có nội dung liên quan đến nội dung bài học Lịch sử địa phương, phải đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất cho việc tổ chức (thời gian thực hiện, không gian, phương tiện đi lại, kinh phí…)

 

            Thời gian: cần phân bố thời gian thích hợp tuỳ thuộc vào kế hoạch của nhà trường, mùa vụ trong năm..

 

            - Bước 2: Thiết kế kế hoạch HĐTN

 

            Để tổ chức tốt được các HĐTN, yêu cầu thiết kế HĐTN cần thực hiện theo các bước sau:

 

            1. Xác định tên hoạt động/chủ đề hoạt động: Việc đặt tên cho hoạt động/chủ đề trải nghiệm là rất cần thiết vì nó định hướng cho GV xác định mục tiêu, nội dung và cách thức tổ chức HĐTN hiệu quả. Việc đặt tên cho hoạt động/chủ đề trải nghiệm cần rõ ràng, ngắn gọn, chính xác, phản ánh được nội dung trọng tâm của hoạt động, tạo sự chú ý và gây ấn tượng cho HS.

 

            2. Xác định mục tiêu hoạt động: Việc xác định mục tiêu của hoạt động chính xác, khoa học, tường minh là cơ sở để chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức HĐTN hiệu quả. Mục tiêu HĐTN phải phản ánh các mức độ và yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ và định hướng phát triển năng lực chung và năng lực chuyên biệt của HS.

 

            3. Xác định nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tổ chức: Trên cơ sở mục tiêu của hoạt động, GV xác định nội dung kiến thức và đề xuất hình thức, phương pháp, phương tiện, kĩ thuật dạy học và cách thức tổ chức HĐTN phù hợp với nội dung. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của HĐTN..

 

            4. Lập kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức HĐTN: Về phía GV, cần thông báo kế hoạch cho HS, phân công nhiệm vụ, yêu cầu HS chuẩn bị đồ dùng học tập, nêu rõ mục đích và những quy định khi hoạt động, dự kiến các phương tiện, điều kiện cần thiết để hoạt động; dự kiến cụ thể về thời gian thực hiện, địa điểm cũng như những tình huống có thể phát sinh để đưa ra các kế hoạch ứng biến kịp thời. Về phía HS, phải nhận thức rõ nhiệm vụ, chủ động phân công trong nhóm, chuẩn bị nội dung, thiết bị, sản phẩm và cách thức báo cáo nhiệm vụ...

 

            - Bước 3: Tổ chức HĐTN

 

            Để tổ chức tốt các HĐTN, GV có thể thực hiện theo các hoạt động sau:

 

            * Hoạt động 1: Định hướng

 

            GV tập trung học sinh đầy đủ tại địa điểm đã chọn theo đúng kế hoạch, hướng dẫn học sinh về nghi lễ tại nơi đến trải nghiệm và cùng học sinh thực hiện theo đúng nghi lễ của địa phương và định hướng HĐTN, gắn liền với giới thiệu khu di tích… mà học sinh sẽ quan sát.

 

            * Hoạt động 2: Tìm hiểu các nội dung chính

 

            - Nhóm 1: Tìm hiểu ….

 

            - Nhóm 2: Tìm hiểu….

 

            - Nhóm 3: Tìm hiểu….

 

            Lưu ý: Khi giao nhiệm vụ cho các nhóm hoạt động, GV phải hướng dẫn, gợi ý và quan sát việc thực hiện của các nhóm..

 

            * Hoạt động 3: Các nhóm trình bày kết quả hoạt động

 

Sau khi hướng dẫn học sinh thực hiện HĐTN (quan sát toàn bộ tổng thể khu di tích và một số địa điểm tiêu biểu, xem xét các hiện vật và nghe giới thiệu… ), giáo viên yêu cầu các nhóm trình bày kết quả hoạt động của nhóm và nhóm khác nhận xét bổ sung.

 

            - Nhóm 1: Trình bày về…

 

            - Nhóm 2: Trình bày về…

 

            - Nhóm 3: Trình bày về…

 

            - Bước 4: Tổng kết, đánh giá HĐTN và giao nhiệm vụ về nhà.

 

            Việc đánh giá kết quả của HĐTN được tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau như: quay video về di tích; phát biểu cảm tưởng ngay tại nơi trải nghiệm; viết bài thu hoạch về điểm ấn tượng nhất đối với HS trong buổi trải nghiệm; bài học giá trị nhất đối với HS khi tham gia buổi trải nghiệm.

 

           Giáo viên nhận xét, đánh giá về ý thức, thái độ, tinh thần học tập, chất lượng sản phẩm hoạt động của mỗi nhóm và rút kinh nghiệm để kết quả đạt tốt hơn ở những buổi trải nghiệm sau..

 

            Bài tập về nhà: Mỗi nhóm viết 1 báo cáo tổng thể về buổi trải nghiệm.

 

3. Vận dụng HĐTN trong DHLS địa phương ở trường THCS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bằng hình thức tham quan học tập

 

            3.1. Trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hóa (DTLS – VH)

 

            Việc tổ chức cho HS trải nghiệm tại các DTLS – VH sẽ giúp các em tái hiện quá khứ một cách sinh động những sự kiện LS đã diễn ra với những không gian và thời gian cụ thể. Các DTLS – VH được hình thành và lưu giữ địa phương đều gắn liền với những sự kiện LS, bản thân các DTLS – VH cũng phần nào phản ánh hoàn cảnh xã hội tạo ra nó, mỗi DTLS – VH đều chứa đựng một hoặc một vài sự kiện LS trong tiến trình phát triển của LSDT

 

            Hầu hết ở các làng quê trên địa bàn tỉnh Băc Ninh đều có các ngôi đình, đền, chùa cổ, ở đó lưu giữ tên tuổi những vị anh hùng dân tộc, những người có công lao trong việc khai hoang lập làng; lưu giữ những phong tục, tập quán, đặc trưng văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của dân tộc, của quê hương. Ví vậy, trong quá trình học tập khi được tiếp xúc, quan sát, tìm hiểu với DTLS – VH, các em cảm thấy như đang được chứng kiến những sự kiện LS xảy ra, HS sẽ có những kiến thức cụ thể về từng sự kiện, hiện tượng, nhân vật LS của dân tộc, LS địa phương trong các mặt của đời sống xã hội, giúp các em tạo được biểu tượng LS một cách chính xác, khách quan và sống động nhất về các sự kiện, hiện tương, nhân vật LS. Trong quá trình trải nghiệm thực tế, được đóng vai là “những nhà nghiên cứu LS” học sinh sẽ có hứng thú, niềm say mê, tính chủ động trong việc khám phá tri thức LS, việc học tập trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn. Thông qua các DTLS – VH, đặc biệt là những di tích được công nhận và xếp hạng cấp quốc gia, HS có thêm niềm tự hào về truyền thống quê hương, qua đó bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương, dân tộc.

 

            3.2. Trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống (LNTT) ở địa phương

 

            Làng nghề truyền thống (LNTT) là nét nổi bật trong sự phát triển KT – XH của mỗi địa phương, từ thành thị đến nông thôn, mỗi địa phương đều có các LNTT, LNTT gắn liền với quá trình phát triển KT – VH – XH, ở đó in đậm những dấu ấn trong quá trình phát triển của cư dân địa phương, tạo ra những sắc thái văn hóa đặc trưng của địa phương, góp phần làm phong phú cũng như bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, LNTT còn thúc đẩy sự phát triển KT – XH, giải quyết việc làm cho người lao động. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, ở mỗi địa phương khác nhau, tạo ra nhiều LNTT có những đặc điểm khác nhau. Song các LNTT đều có một điểm chung là bắt nguồn từ sự sáng tạo của cư dân địa phương. Do đó, trong sản phẩm của LNTT, từ kiểu dáng, mẫu mã đều mang dấu ấn bản sắc văn hóa riêng, LS của các LNTT gắn liền với các giai đoạn phát triển của quê hương đất nước. ở Bắc Ninh nhiều sản phẩm của LNTT có tính nghệ thuật, có chất lượng cao nổi tiếng trong và ngoài nước như: Làng tranh dân gian Đông Hồ, nem Bùi Ninh Xá ( Thuận Thành ), gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, gò đúc đồng Đại Bái, dệt Tam Tảo, dệt Hồi Quan, gỗ mỹ nghệ Tam Sơn, gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, gỗ mỹ nghệ Mai Động, gỗ mỹ nghệ Phù Khê, gốm Phù Lãng, tre Xuân Lai, giấy Phong Khê, thép Đa Hội, tơ Tằm Vọng Nguyệt, rượu Đại Lâm, đúc phế liệu Mẫn Xá, hàng mã Song Hồ…Vì vậy, khi được trải nghiệm thực tế tại các LNTT, HS được chứng kiến và có thể tham gia trực tiếp vào các công đoạn sản xuất sản phẩm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân, thợ làm nghề tạo ra các sản phẩm nổi tiếng sẽ bồi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, tinh thần hăng say lao động chon các em. Đồng thời khi được nghe giới thiệu về lịch sử phát triển của LNTT, các em sẽ tái hiện hình ảnh, tạo biểu tượng về quá khứ, về những công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã phải đổ bao mô hôi công sức để giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề, qua đó giáo dục niềm tự hào, lòng yêu quê hương đất nước, các em sẽ ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong việc giữ gìn, phát triển LNTT của quê hương. Ngoài ra, trải nghiệm tại các LNTT còn giúp HS hình thành các năng lực như: thiết kế hoạt động; quan sát; tham gia hoạt động thực tiễn; tìm kiếm xử lý thông tin; thích ứng hào nhập với môi trường xã hội; mở rộng giao tiếp; định hướng nghề nghiệp trong tương lại…

 

            3.3. Ví dụ minh họa

 

            Ở lớp 6, sau khi kết thúc dạy phần LSVN từ nguồn gốc đến thế kỉ X, GV có thể tổ chức cho HS tham quan trải nghiệm tại di tích Lăng và Đền thờ thủy tổ Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành

 

CHỦ ĐỀ: ĐI TÌM DẤU VẾT LỊCH SỬ Ở ĐỊA PHƯƠNG

 

(Qua dấu vết lịch sử – Lăng và Đền thờ thủy tổ Kinh Dương Vương)

 

            1. Mục tiêu

 

            Sau buổi trải nghiệm, học sinh có khả năng

 

            a. Kiến thức

 

            - Trình bày được các thông tin về lịch sử của Lăng và đền Kinh Dương Vương tại địa phương mình.

 

            - Chỉ ra được những tác động của môi trường với di tích lịch sử.

 

            - Đề xuất được các biện pháp hạn chế tác động của môi trường nhằm bảo vệ di tích lịch sử Lăng và đền Kinh Dương Vương.

 

            b. Kĩ năng

 

            - Thu thập tài liệu thông qua, quan sát, phân tích những hiện vật còn lại tại Lăng và đền Kinh Dương Vương.

 

            - Kỹ năng sử dụng một số công cụ trong phân tích và thu thập dữ liệu như bản đồ tư duy, cây vấn đề, quay video...

 

            c. Thái độ:

 

            - Củng cố lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

            - Hình thành được lòng tự hào dân tộc, tự hào đối với quê hương mình để từ đó có thái độ tích cực trong việc xây dựng quê hương, đất nước.

 

            - Nhận thức rõ được tác động của môi trường. Có ý thức bảo vệ cấc di tích lịch sử trước sự tàn phá của tự nhiên, đồng thời phải có ý thức cùng chung tay với cộng đồng bảo vệ môi trường.

 

            2. Thời gian, địa điểm

 

            - Thời gian: một buổi (1/2 ngày).

 

            - Địa điểm: Lăng và đền thờ thủy tổ Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành

 

            3. Đối tượng: HS lớp 6, GV bộ môn (GVCN, BGH…nếu cần)

 

            4. Chuẩn bị

 

            - Tiền trạm: Liên hệ với cán bộ quản lý, hướng dẫn khu di tích về nội dung và thời gian diễn ra HĐTN tại khu di tích.

 

            - Thu thập thông tin (giáo viên và học sinh): Chuẩn bị trước một số tài liệu, tranh ảnh, mẩu chuyện lịch sử có liên quan đến di tích, theo phân công của giáo viên.

 

            - Cơ sở vật chất: Phương tiện đi lại (ô tô, nếu ở xa), nước uống, phương tiện học tập…, hương, hoa (cho hoạt động dâng hương).

 

            - Kế hoạch chi tiết của buổi ngoại khóa.

 

            - Phân công hoạt động nhóm của học sinh:

 

            + Nhóm 1: Tìm hiểu kiến thức lịch sử và giá trị kiến trúc của khu di tích

 

            + Nhóm 2: Tìm hiểu về sự ảnh hưởng của môi trường tới cảnh quan và kiến trúc đến khu di tích.

 

            + Nhóm 3: Đề xuất các biện pháp để bảo vệ khu di tích chống lại những tác động của môi trường.

 

5. Tiến hành trải nghiệm

 

            * Hoạt động 1: Định hướng

 

            - Tập trung học sinh đầy đủ tại địa điểm nêu trên, theo đúng kế hoạch.

 

            - Giáo viên hướng dẫn học sinh về nghi lễ tưởng niệm tại dia tích nói chung và cùng học sinh thắp hương theo đúng nghi lễ của địa phương.

 

            - Giáo viên định hướng HĐTN, gắn liền với giới thiệu khu di tích mà học sinh sẽ quan sát.

 

            * Hoạt động 2: Tìm hiểu các nội dung chính

 

            - Nhóm 1: Tìm hiểu giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc của khu di tích

 

GV hướng dẫn HS quan sát cảnh quan khu di tích, phỏng vấn những người trông coi lăng và kết hợp với thông tin đã chuẩn bị từ trước.

 

            - Nhóm 2: Tìm hiểu về sự ảnh hưởng của môi trường tới cảnh quan và kiến trúc của khu di tích

 

            GV hướng dẫn HS quan sát, kết hợp với phỏng vấn cán bộ trông coi và quản lý khu di tích.

 

            - Nhóm 3: Đề xuất các biện pháp để bảo vệ khu di tích

 

            Giáo viên gợi ý học sinh các giải pháp:

 

            - Giáo dục: Tuyên truyền cho mọi người ý thức bảo vệ di tích;

 

            - Tiến hành trùng tu, bảo dưỡng định kì;

 

            - Sử dụng công cụ cây vấn đề, hoặc bản đồ tư duy để diễn đạt.

 

            * Hoạt động 3: Trình bày kết quả hoạt động

 

            Sau khi hướng dẫn học sinh quan sát toàn bộ tổng thể khu di tích, xem xét các hiện vật và nghe thuyết minh, giáo viên yêu cầu các nhóm trình bày kết quả:

 

Nhóm 1: Nêu những hiểu biết của em về giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc của khu di tích lịch.

 

Nhóm 2: Trình bày những tác động của môi trường tự nhiên đến khu di tích.

 

            Nhóm 3: Nêu những biện pháp cần thiết để bảo vệ, khôi phục và tu bổ.

 

            * Hoạt động 4: Tổng kết, nhận xét, đánh giá.

 

            - Giáo viên nhận xét và đánh về ý thức, thái độ, tinh thần học tập, chất lượng sản phẩm hoạt động của mỗi nhóm; rút kinh nghiệm để kết quả đạt tốt hơn.

 

            - Bài tập về nhà: Mỗi nhóm viết 1 báo cáo tổng thể về kết quả của hoạt động trải nghiệm.           

 

III. KẾT LUẬN

 

            Có thể nói, thông qua các hoạt động trải nghiệm tham quan tìm hiểu thực tế, HS có cơ hội hình thành và phát triển những giá trị sống và các năng lực cần thiết. Hoạt động trải nghiệm thực tế về cơ bản mang tính chất của hoạt động tập thể trên tinh thần tự chủ nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể. Hoạt động trải nghiệm tham quan tìm hiểu có nội dung rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: đạo đức, trí tuệ, kĩ năng sống, giá trị sống, nghệ thuật, thẩm mĩ, thể chất, lao động, giáo dục an toàn giao thông, môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hoàng Phê (CB, 2007): Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, tr 699.

 

2. Bộ GD-ĐT (2017). Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể

 

3. Bộ GD – ĐT (2018): Chương trình môn Lịch sử - Địa lí ở cấp THCS.

 

4. Bộ giáo dục và Đào tạo (2014), Kỷ yếu hội thảo: Tổ chức hoạt động trải nghiệm  sáng tạo cho học sinh phổ thông và mô hình trường phổ thông gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

 

5. Phạm Văn Mạo: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS trong DHLS địa phương. Tạp chí Giáo dục, số 441 (kif1 – 8/2017), tr12.

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội