Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THIẾT KẾ CÁC CHỦ ĐỀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC SINH HỌC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC - Thạc sỹ: Đặng Thị Thanh Mai

THIẾT KẾ CÁC CHỦ ĐỀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

TRONG DẠY HỌC SINH HỌC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC

DESIGNING THE THEMES OF EXPERIENTIAL ACTIVITIES

IN TEACHING BIOLOGY TO DEVELOP LEARNER'S CAPACITY

IN THE SECONDARY SCHOOL.

                                                                         Đặng Thị Thanh Mai

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Trên cơ sở lí luận về dạy học tiếp cận phát triển năng lực người học, dạy học trải nghiệm và những yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông, bài viết đề cập đến thực trạng và đề xuất hướng thiết kế, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong dạy học Sinh học theo hướng phát triển năng lực người học góp phần đổi mới dạy học Sinh học ở trường trung học cơ sở.

Từ khóa: Hoạt động trải nghiệm, năng lực người học, dạy học Sinh học, trường trung học cơ sở

SUMMARY

Based on the theories of teaching in the direction of developing learner's capacity, teaching experience and the requirements of general education innovation, this article deals with the current status and proposed direction of design and organization experiential activities in teaching biology towards the development of learner's capacity which contributes to the innovation of teaching biology in secondary school.

            Key words: experiential activities, learner's capacities, teaching biology, secondary school.

1. Đặt vấn đề

Học tập dựa vào trải nghiệm (TN) (Experiential Learning) là tư tưởng, lí thuyết giáo dục hiện đại, nổi bật trong thế kỷ XX được đặt nền móng bởi các nhà khoa học giáo dục hàng đầu thế giới như Lev Vygotsky, John Dewey, Jerome S. Bruner, Albert Bandura, David Kolb … Học tập dựa vào TN nhấn mạnh đến vai trò chủ động, tích cực của người học cũng như kinh nghiệm cá nhân và sự tương tác với môi trường. Tư tưởng, quan điểm dạy học này đã trở thành một xu hướng tiến bộ trong nền giáo dục hiện đại. Đối lập với nền giáo dục truyền thống (giáo dục là sự đào tạo từ bên ngoài; truyền dạy những nội dung gồm kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử đã được phát triển trong quá khứ cho thế hệ sau). Trong nền giáo dục tiến bộ đó, giá trị của tự do được đề cao, học thông qua tự TN, học phải gắn liền với lợi ích của cuộc sống, học là để thích ứng với môi trường cuộc sống luôn thay đổi [4], [5], [8]. Nổi bật trong các nghiên cứu về học tập dựa vào TN là nghiên cứu của D. Kolb về lí thyết học tập trải nghiệm (HTTN), trung tâm là mô hình HTTN được xuất bản năm 1984. Lí thuyết HTTN đã và đang trở thành xu hướng, nền tảng của giáo dục trong thế kỷ XXI.

Quan điểm và tư tưởng của lí thuyết HTTN cho thấy sự phù hợp với nội dung đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam, trọng tâm là xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học bởi nó chỉ ra các HĐ cụ thể của người học để phát triển kinh nghiệm nền tảng hướng đến mục tiêu đào tạo. Vì vậy, nghiên cứu mô hình HTTN, vận dụng mô hình trong dạy học sẽ rất có ý nghĩa trong việc đổi mới dạy học nói chung và dạy học ở phổ thông nói riêng.

Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, tích hợp nhiều lĩnh vực khoa học và gắn với nhiều hoạt động thực tiễn. Vì vậy, việc thiết kế và tổ chức các hoạt động trải nghiệm (HĐTN) trong dạy học Sinh học rất thuận lợi và có hiệu quả trong phát triển năng lực người học.

Năng lực là thuộc tính cá nhân cho phép cá nhân thực hiện thành công các HĐ nhất định, đạt kết quả mong muốn trong điều kiện cụ thể [4], [5], [6].

Có thể hiểu những năng lực chung nhất của con người bao gồm:

- Hiểu biết những tri thức về thế giới và các phương thức HĐ để thu được tri thức ấy. Đó là năng lực Hiểu.

- Kĩ năng – kĩ xảo để hiện thực hóa các phương thức HĐ nói trên ở bản thân. Đó là năng lực Làm.

- Kinh nghiệm biểu cảm, thể hiện cảm xúc và giá trị. Đó là năng lực Cảm.

Sự thống nhất của ba năng lực Hiểu, Làm và Cảm ở cá nhân. Đó là năng lực phát triển (sáng tạo) [4],[5], [6]..

Đào tạo theo năng lực có 2 mặt: (1) Xem năng lực là mục tiêu đào tạo, là kết quả giáo dục; và (2) Xem năng lực là kinh nghiệm nền tảng, chỗ dựa của giáo dục, đặc biệt là kinh nghiệm nền tảng của người học (Vygotsky) [4],[5], [6]. Đào tạo theo năng lực phải thực hiện cả 2 phương diện trên. Như vậy, bản chất chung nhất của đào tạo theo năng lực là việc phát triển kinh nghiệm nền tảng của người học theo hướng đáp ứng mục tiêu đào tạo.

2.2. Mô hình học tập dựa vào trải nghiệm [4], [8]

Mô hình học tập dựa vào TN của David Kolb là một chu trình tuần hoàn hình xoắn ốc gồm có 4 giai đoạn: Kinh nghiệm – Quan sát, phản hồi – Hình thành khái niệm – Thử nghiệm tích cực.

Mô hình chu kỳ và cấu trúc của học tập dựa vào trải nghiệm

Chu kỳ học tập dựa vào TN diễn ra từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 và bắt đầu trở lại ở giai đoạn 1 tạo thành một vòng tròn khép kín. Quá trình học luôn tiếp diễn một cách liên tục và nhịp nhàng trên cơ sở những thành tựu, kết quả đã thu được.

3. Thực trạng việc thiết kế và sử dụng các chủ đề HĐTN trong dạy học Sinh học ở trường THCS

Việc áp dụng chu trình Kolb vào dạy học môn Sinh học cho HS trung học cơ sở (THCS) có nhiều thuận lợi do đặc điểm môn học và những đặc điểm phát triển tâm sinh lí của HS ở cấp THCS [1], [3].

Tuy nhiên, trong thực tế các công bố về thiết kế và sử dụng các HĐTN trong dạy học Sinh học chưa nhiều. Một số ít các HĐTN được công bố chủ yếu cho các HĐ mở rộng, nâng cao kiến thức bài học. Việc tổ chức các HĐTN trong dạy học môn Sinh học cũng chưa được các trường THCS quan tâm chú ý.

Thực hiện khảo sát về thực trạng tổ chức các HĐTN trong dạy học ở một số trường THCS tỉnh Bắc Ninh qua các đối tượng: Cán bộ quản lý, đội ngũ GV, HS… cho thấy: Phần lớn cán bộ quản lý nhận thức đầy đủ về HĐTN (70%) và nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức HĐTN trong môn học. Tuy nhiên, do những đòi hỏi về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của GV... nên đa số các trường mới dừng lại ở mức thỉnh thoảng tổ chức các HĐTN như: tham quan dã ngoại, tổ chức các hội thi… Việc tổ chức HĐTN theo lĩnh vực và môn học chưa được chú trọng chỉ đạo và thực hiện [5]. Đa số GV THCS (87%) đã có nhận thức đúng đắn về HĐTN. Tuy nhiên, các HĐTN trong môn học còn gặp nhiều khó khăn: việc lựa chọn các nội dung, hình thức trải nghiệm chưa phong phú (30,6%), chuẩn bị mất nhiều thời gian (82%), khó khăn trong công tác tổ chức, quản lý HS (57,7%). Chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá HĐTN của HS (55,4%)… Một số GV tổ chức HĐTN cho HS nhưng chưa xác định rõ HĐ đó sẽ hướng tới hình thành những năng lực gì của các em [6]. Khảo sát với đối tượng là HS cho thấy: HS thường được chỉ định, phân công tham gia một cách bị động, các em chưa được chủ động tham gia tất cả các khâu trong tiến trình HĐTN (62%). Do hình thức chưa phong phú nên một số HS chưa tạo được hứng thú khi tham gia trải nghiệm (43%) [6].

Như vậy, đối với các trường THCS, dạy học trải nghiệm còn rất mới mẻ và mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của HĐTN trong dạy học nhưng vì nhiều lí do HĐTN trong giáo dục nói chung và HĐTN trong môn học nói riêng, trong đó có môn Sinh học chưa được tổ chức thường xuyên.

4. Thiết kế các HĐTN trong dạy học Sinh học ở trường THCS theo hướng phát triển năng lực người học

            4.1. Nguyên tắc thiết kế các chủ đề HĐTN trong dạy học Sinh học ở THCS theo hướng phát triển năng lực người học

- Đảm bảo mục tiêu bài học.

- Đảm bảo thời gian và tiến trình dạy học.

- Đảm bảo tính vừa sức.

- Đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ động của HS và vai trò định hướng của GV.

- Đảm bảo sự thống nhất giữa cái cụ thể và cái trìu tượng.

- Phù hợp nội dung môn học, điều kiện cơ sở vật chất của trường phổ thông và địa phương.

- Đảm bảo tính đa dạng, phong phú các HĐTN.

4.2. Thiết kế các chủ đề HĐTN trong dạy học Sinh học ở THCS theo hướng phát triển năng lực người học

Áp dụng mô hình HTTN của D. Kolb, một số công trình đã công bố khác về dạy học theo lí thuyết HTTN và đặc thù nội dung, mục tiêu dạy học nội dung Sinh học cụ thể ở bậc THCS có thể thiết kế các HĐ dạy học theo các mô hình sau:

Mô hình 1

Áp dụng với các nội dung bài học mà GV có thể xây dựng được các tình huống có vấn đề thực sự gay cấn giữa kinh nghiệm của HS và vấn đề cần giải quyết của bài học.

* Mục tiêu:

- Hình thành và phát triển các năng lực cảm, hiểu, làm.

- Chú trọng phát triển năng lực cảm:

+ Động cơ học tập.

+ Hứng thú, nhu cầu tìm hiểu sự vật, hiện tượng.

+ Nhận biết được sai lầm của bản thân và học được qua sai lầm.

* Nội dung dạy học:

Mô hình này áp dụng với những nội dung dạy học mà HS có thể suy luận từ kinh nghiệm (tri thức) đã có và qua quan sát sự vật, hiện tượng.

* Cách thức:

- Người học được tự trải nghiệm để có kiến thức.

- GV khơi gợi để HS bộc lộ biểu tượng ban đầu về sự vât, hiện tượng; tạo được tình huống có vấn đề trong nhận thức người học giữa biểu tượng ban đầu và vấn đề cần giải quyết ở bài học.

* Đối tượng:

Cách học này hiệu quả với những HS có các đặc điểm sau:

+ Có kỹ năng quan sát tốt nhất trong những tình huống cụ thể với những quan điểm khác nhau.

+ Phát huy khả năng hiệu quả trong những tình huống cần đưa ra các ý tưởng.

+ Giầu trí tưởng tưởng.

+ Thích làm việc theo nhóm.

* Mô hình thiết kế:

GV cho người học được trải nghiệm bày tỏ kinh nghiệm của mình trong những tình huống thực tế/nhiệm vụ học tập à Các HĐ quan sát và phản ánh giá trị kinh nghiệm đã có của bản thân để thấy được những thiếu sót, từ đó tìm kiếm sự giúp đỡ của GV và bạn bè à XD khái niệm mới à Thử nghiệm giải quyết vấn đề.

à Học qua sai lầm, qua chia xẻ kinh nghiệm và cảm xúc à Phát triển NL cảm.

* Các bài học có thể vận dụng:

Sinh học 6:

Bài 12: Biến dạng của rễ

Bài 18: Biến dạng của thân

Bài 25: Biến dạng của lá

Mô hình 2

Mô hình này áp dụng với những nội dung dạy học mà HS có thể giải quyết được vấn đề của bài học qua quan sát sự vật, hiện tượng.

* Mục tiêu:

- Hình thành và phát triển các năng lực cảm, hiểu, làm.

- Chú trọng phát triển năng lực hiểu:

+ Năng lực nhận thức các tri thức khoa học về thế giới.

+ Khả năng thu thập và xử lí các dữ liệu, thông tin trong tình huống thực.

* Cách thức:

- Người học qua quan sát để có kiến thức.

* Đối tượng:

Cách học này hiệu quả với những HS có các đặc điểm sau:

+ Có khả năng nắm vững thông tin ở diện rộng và sắp xếp chúng theo một lối tư duy khoa học

* Mô hình thiết kế:

Quan sát phản ánh
Thử nghiệm
Kinh nghiệm cụ thể
Khái niệm hóa trìu tượng

 

   Người học sử dụng kinh nghiệm đã có để quan sát HĐ của người khác hoặc của chính bản thân mình trong những sự kiện, tình huống, bằng chứng thực tế… à Suy ngẫm, kết nối những kinh nghiệm đã có đến những kiến thức mới à Thử nghiệm và rèn luyện à Kinh nghiệm mới.

à Học bằng suy nghĩ lí trí à Phát triển NL Hiểu (dưới dạng nhận thức các tri thức khoa học về thế giới).

* Các bài học có thể vận dụng:

Sinh học 6:

Bài 5, 6 và 7: Bài 5 – Thực hành: Kính lúp, kính hiển vi và cách sử dụng; Bài 6 – Thực hành: Quan sát tế bào thực vật; Bài 7: Cấu tạo tế bào thực vật.

Bài 9: Các loại rễ, các miền của rễ.

Bài 26: Sinh sản sinh dưỡng tự nhiên.

Bài 27: Sinh sản sinh dưỡng do con người.

Sinh học 7:

Bài 3,4,5: Bài 3 – Thực hành: Quan sát một số động vật nguyên sinh; Bài 4- Trùng roi; Bài 5 – Trùng biến hình.

Mô hình 3

Mô hình này áp dụng với những bài dạy học mà HS có thể đề xuất các thử nghiệm để mở rộng và nâng cao nội dung bài học.

* Mục tiêu:

- Hình thành và phát triển các năng lực cảm, hiểu, làm.

- Chú trọng phát triển năng lực hiểu:

+ Năng lực nhận thức các phương thức để có được tri thức.

* Cách thức:

- Người học qua việc áp dụng tri thức mới trong việc đề xuất các thử nghiệm để mở rộng, nâng cao nội dung bài học.

* Đối tượng:

Cách học này hiệu quả với những HS có các đặc điểm sau:

+ Có khả năng tìm kiếm những cách ứng dụng thực tế cho các ý tưởng và lý thuyết

+ Thích thử nghiệm những ý tưởng mới và tiến hành những ứng dụng thực tế.

Quan sát phản ánh

* Mô hình thiết kế:

KN hóa trìu tượng
Kinh nghiệm cụ thể
Thử nghiệm

 

Việc học bắt đầu bằng việc áp dụng những khái niệm mới, trìu tượng trong việc đề xuất các ý tưởng mới, cách làm mới nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập à Tiến hành các HĐ thử nghiệm, rèn luyện để có kinh nghiệm mới à Quan sát, suy ngẫm những gì đã học à Rút ra chân lí, giá trị của tri thức.

àHọc qua làm việc à Phát triển NL Hiểu (dưới dạng nhận thức các phương thức để có được tri thức).

* Các bài học có thể vận dụng:

Sinh học 7:

Sau bài 17. Nuôi giun.

Sinh học 9:

Sử dụng các kiến thức trong các bài đã học để tổ chức các HĐTN ngoài giờ lên lớp. Các kiến thức trong các bài:

Bài 54 – Ô nhiễm môi trường.

Bài 55 – Ô nhiễm môi trường.

Bài 56 – 57 – Tìm hiểu tình hình môi trường ở địa phương.

Mô hình 4

Mô hình này áp dụng với những bài dạy học mà HS qua thử nghiệm có được các KN cụ thể, qua quan sát, thảo luận để giải quyết vấn đề yêu cầu của bài học .

* Mục tiêu:

- Hình thành và phát triển các năng lực cảm, hiểu, làm.

- Chú trọng phát triển năng lực làm:

Các kỹ năng, kỹ xảo để hiện thực hóa các phương thức HĐ để thu nhận tri thức.

* Cách thức:

- Người học tiến hành các thử nghiệm, qua quan sát, thảo luận để giải quyết các yêu cầu của bài học đặt ra.

* Đối tượng:

Cách học này hiệu quả với những HS có các đặc điểm sau:

Đảm nhận tốt những vai trò đòi hỏi hành động và đưa ra các sáng kiến.

* Mô hình thiết kế:

Khái niệm hóa trìu tượng
Quan sát phản ánh
Kinh nghiệm cụ thể
Thử nghiệm

 

Việc học bắt đầu bằng việc thử nghiệm những phương thức HĐ để có được tri thức, trong suốt quá trình này, người học liên tục đánh giá và điều chỉnh cách làm để nhằm đạt được mục tiêu học tập dưới sự giúp đỡ của GV và bạn bè à Áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để có được những kinh nghiệm mới cho bản thân à Quan sát suy ngẫm về kinh nghiệm mới sẽ giúp hiểu sâu sắc hơn những HĐ thử nghiệm đã tiến hành trước đó.

à Học qua sao chép, bắt chước à Phát triển NL Làm.

* Các bài học có thể vận dụng:

Sinh học 6:

Bài 11. Sự hút nước và muối khoáng của rễ

Sinh học 7:

Bài 3,4,5: Bài 3 – Thực hành: Quan sát một số động vật nguyên sinh; Bài 4- Trùng roi; Bài 5 – Trùng biến hình.

            Kết luận

            Môn Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, môn khoa học sự sống nên GV có điều kiện thuận lợi để dạy học theo hướng trải nghiệm. Dựa trên mô hình học tập trải nghiệm, căn cứ mục tiêu chú trọng phát triển năng lực nào ở HS, tùy thuộc nội dung dạy học, vốn kinh nghiệm và phong cách học tập của cá nhân người học, GV có thể linh hoạt lựa chọn thiết kế các chủ đề HĐTN theo mô hình thích hợp. Khi áp dụng các mô hình này đòi hỏi GV phải tổ chức các hoạt động dạy để HS được trải nghiệm qua cả 4 giai đoạn của chu trình. Việc thiết kế các HĐTN phù hợp và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động này trong dạy học sẽ giúp người học phát toàn diện cả năng lực hiểu, năng lực cảm và năng lực làm. Qua đó góp phần giúp hình thành và phát triển năng lực sáng tạo cho người học.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2017), Sinh học 6, 7, 8 và 9.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Dự thảo CT môn KHTN.

3. Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Quang Uẩn (2005). Giáo trình Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm. NXB Đại học Sư phạm, tr.42-48.

4. Nguyễn Văn Hạnh, Lê thị Thu thủy (2015). Lí thuyết học tập dựa vào trải nghiệm: Lý luận và thực tiễn. Tạp chí Giáo dục và Xã hội của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, số 53.

5. Nguyễn Văn Hạnh (2017). Học tập trải nghiệm: Một lí thuyết đóng vai trò trung tâm trong đào tạo theo năng lực. Tạp chí khoa học, Tập 14, số 1 (2017), tr. 179-187.

6. Đặng Thành Hưng (2012). Năng lực và giáo dục theo tiếp cận năng lực. Tạp chí Quản lí giáo dục, số 43, tháng 12/2012. Hà Nội.

7. Trường CĐSP Bắc Ninh (2018). Kết quả khảo sát, điều tra thực trạng cho đề tài NCKH cấp tỉnh: các báo cáo seminar về điều tra, khảo sát thực trạng thiết kế và tổ chức các HĐTN trong dạy học ở một số trường THCS thuộc tỉnh Bắc Ninh.

8. Kolb D.A. (1984), Experiantial learning: experience as the source of learning and development. Englewood Cliffs, N.J: Prentice-Hall.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội