Liên kết website
Quảng cáo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM TỔ CHỨC TỐT HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC  “LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM” Ở TRƯỜNG MẦM NON.- ThS. Nguyễn Thị Dư

 

1. Mở đầu

Trẻ em trong giai đoạn từ 0-6 tuổi là thời kì phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, trẻ tương tác tích cực với những gì diễn ra xung quanh chúng. Bản chất việc học ở trẻ là thông qua sự bắt chước, khám phá, trải nghiệm, thực hành để hiểu về những sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh, đồng thời trẻ học cách biểu đạt những hiểu biết đó thông qua sự chia sẻ, trao đổi với các bạn. Vì vậy, vai trò của giáo viên (GV) là khai thác các tình huống cũng như các vật liệu khác nhau để khuyến khích trẻ chơi, khuyến khích trẻ hoạt động cùng nhau. GV giúp trẻ suy nghĩ nhiều hơn về những gì chúng nhìn thấy và đang làm, kích thích trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán các sự vật, hiện tượng xung quanh và chia sẻ điều trẻ nhìn thấy, điều trẻ nghĩ hoặc điều còn băn khoăn, thắc mắc. Đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi này rất thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học, đặt ra yêu cầu phải đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mầm non.

    Do vậy, mục tiêu  “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” của Bộ GD-ĐT  đã khẳng định: Tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập thông qua vui chơi, bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với nhu cầu, hứng thú, khả năng của trẻ; xây dựng môi trường giáo dục cần mang tính “mở” để kích thích sự tập trung chú ý và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm. Đồng thời, tạo sự liên kết và thống nhất giữa trường mầm non và gia đình về nội dung, hình thức, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ, phát triển cho trẻ về các mặt thể chất, nhận thức, tình cảm, thẩm mĩ. Từ đó, giúp cho phụ huynh của trẻ, cộng đồng hiểu biết về Giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”

Tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là giáo dục trẻ trên quan điểm GV cần có những hiểu biết về trẻ (sở thích, nhu cầu, mong muốn, khả năng của trẻ), để từ đó tạo ra môi trường giáo dục vui tươi, tạo ra những trải nghiệm thúc đẩy sự tìm tòi, ham hiểu biết của trẻ. Trẻ được hoạt động một cách tích cực, có cơ hội được học tập, trải nghiệm, trao đổi hợp tác với các bạn nhiều hơn; từ đó tiếp thu kiến thức một cách đễ dàng và hiệu quả.  

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cần đảm bảo: Hứng thú, nhu cầu, kĩ năng, thế mạnh của mỗi trẻ đều được hiểu, được đánh giá đúng và được tôn trọng. Mỗi trẻ đều có cơ hội tốt nhất để thành công.

2.2. Vai trò của hoạt động giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”

            “Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt” và “mỗi đứa trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau”. Hiện nay, các GV mầm non đã tiếp cận phương pháp giáo dục  “lấy trẻ làm trung tâm”, giúp trẻ hứng thú học tập và phát triển thế mạnh của mỗi trẻ, trẻ được hoạt động một cách tích cực, có cơ hội được học tập trải nghiệm, trao đổi hợp tác với các bạn nhiều hơn, từ đó tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại trường mầm non, tạo lòng tin cho xã hội, cho cha mẹ của trẻ.

2.3. Một số biện pháp tổ chức tốt các hoạt động giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”

2.3.1. Lựa chọn các hoạt động giáo dục phù hợp đặc điểm, nhận thức của trẻ

Các GV mầm non cần dựa trên khả năng, nhu cầu, hứng thú và thế mạnh của trẻ. Từ đó xây dựng các kế hoạch giáo dục phù hợp với từng trẻ. Bên cạnh đó, GV cần đặt niềm tin vào những đứa trẻ và tin rằng mọi trẻ đều có thể tiến bộ và thành công bằng cách căn cứ vào chương trình giáo dục mầm non, kế hoạch thực hiện chương trình, căn cứ vào thực tế trẻ của nhóm lớp để lựa chọn hoạt động giáo dục phù hợp với nhận thức, nhu cầu, hứng thú và tôn trọng sự khác biệt của trẻ. Ví dụ: Trong cùng một lớp, với các cháu nhanh nhẹn, nhận thức tốt, nên chọn hoạt động có yêu cầu cao hơn; với các cháu nhận thức còn hạn chế thì lựa chọn những hoạt động vừa sức với trẻ. Với những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn, GV cần quan tâm, động viên, khuyến khích trẻ kịp thời, đồng thời chú ý đến những trẻ có năng khiếu nổi trội để bồi dưỡng, phát triển cho trẻ.

GV cần tạo cơ hội cho trẻ tận dụng tất cả các giác quan để khám phá sự vật, hiện tượng. Ví dụ: Dành thời gian cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán, so sánh, sử dụng câu hỏi gợi mở, câu hỏi kích thích trẻ tư duy nhằm dẫn dắt trẻ suy nghĩ và giúp trẻ nói lên được về những gì chúng đang nhìn thấy, gợi ý cho trẻ chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình, cùng nhau trao đổi để tìm hiểu, khám phá đối tượng. Bên cạnh đó, cần tạo cho trẻ môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng, đồ chơi và các nguyên vật liệu khác nhau để kích thích hứng thú khám phá của trẻ.

2.3.2. Lựa chọn các phương pháp giáo dục phù hợp đặc điểm, nhận thức của trẻ

Có nhiều phương pháp dạy học hiệu quả đối với trẻ, GV mầm non cần thực hiện đúng yêu cầu kĩ thuật của từng phương pháp, có như thế thì mới nâng cao được hiệu quả tổ chức các hoạt động cho trẻ. Các kĩ thuật này bao gồm: kĩ thuật chia nhóm, kĩ thuật giao nhiệm vụ, kĩ thuật đưa ra tình huống có vấn đề, kĩ thuật đặt câu hỏi,... Cụ thể về kĩ thuật đặt câu hỏi thì cần chú ý tới một số yêu cầu như sau: câu hỏi phải liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu bài học; câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu; đúng lúc, đúng chỗ; phù hợp với trình độ của trẻ; câu hỏi phải kích thích sự suy nghĩ của trẻ nhằm khuyến khích sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ, không ghép nhiều nội dung trong một câu hỏi, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc, trẻ sẽ trả lời dễ dàng hơn với các câu hỏi đơn nghĩa, rõ ý.

           Để GV mầm non thực hiện tốt điều này thì trong từng phương pháp tổ chức hoạt động học cụ thể cần chú ý một số nội dung như sau:

           - Nhằm giúp cho sự hiểu biết của trẻ trở nên sâu sắc và bền vững hơn, giúp trẻ sẽ nhớ nhanh và lâu hơn thì các cô nên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm. Có rất nhiều cách khác nhau để chia nhóm tuy nhiên, không nên chia nhóm trẻ quá đông hoặc quá ít, nội dung thảo luận của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. GV cần quy định rõ thời gian thảo luận và kết quả thảo luận cho các nhóm, cần bầu ra trưởng nhóm, kết quả thảo luận nhóm có thể được trình bày bằng nhiều hình thức như: vẽ, hát, đóng kịch, thơ,... cần quan sát các nhóm thảo luận và có sự giúp đỡ kịp thời trong trường hợp các nhóm gặp khó khăn.

         - Đối với phương pháp dạy học giải quyết vấn đề cần thực hiện đúng theo quy trình các bước như sau: xác định, nhận dạng vấn đề hoặc tình huống; thu thập thông tin có liên quan đến vấn đề hoặc tình huống đặt ra; liệt kê các cách giải quyết có thể có; phân tích, đánh giá kết quả từng cách giải quyết (tích cực, hạn chế, cảm xúc, giá trị); so sánh kết quả các cách giải quyết; lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất; thực hiện theo cách giải quyết đã lựa chọn; rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.

         - Đối với phương pháp đóng vai thì việc "diễn" không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là GV giúp trẻ tham gia thảo luận sâu sau phần tham gia vào vai diễn ấy.VD: Trong giờ hoạt động góc của trẻ tuổi mẫu giáo, GV có thể tổ chức cho trẻ tự thảo luận, bàn bạc với nhau tự nhận vai chơi, tự thống nhất nội dung chơi ở các góc chơi, cô giáo chỉ là người đóng vai trò cố vấn, có thể cùng chơi với trẻ, tạo tình huống trong quá trình diễn ra hoạt động chơi của trẻ.

          - Để sử dụng phương pháp trò chơi đạt hiệu quả thì GV nên chọn những trò chơi dễ tổ chức và thực hiện, trò chơi phải phù hợp với chủ đề, với đặc điểm và trình độ của trẻ, phù hợp với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực, trẻ phải nắm được quy tắc chơi và phải tôn trọng luật chơi, trò chơi phải tạo được sự hứng thú và vui thích của trẻ.

          - Khi sử dụng phương pháp dạy học khám phá, GV nên lựa chọn nội dung vấn đề hoặc tình huống đảm bảo tính vừa sức đối với trẻ, chuẩn bị đồ chơi, đồ dùng trực quan và những điều kiện cần thiết để trẻ tự tìm tòi khám phá, tổ chức cho trẻ làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm; khuyến khích trẻ tự tìm tòi khám phá, đưa ra các phát hiện, cách giải quyết có thể; liệt kê các cách giải quyết có thể có; phân tích, đánh giá kết quả mỗi cách giải quyết của cá nhân trẻ, của nhóm trẻ; lựa chọn cách giải quyết tối ưu nhất; kết luận về nội dung của vấn đề, làm cơ sở cho trẻ tự kiểm tra, tự điều chỉnh; rút kinh nghiệm cho việc giải quyết những vấn đề, tình huống khác.                                                                  

           - Đối với phương pháp dạy học trải nghiệm thì nên tổ chức cho trẻ thực hiện đủ bốn bước: Quan sát; Suy nghĩ (tâm trí); Cảm nhận (cảm xúc); Hành động (cơ bắp). Để học hiệu quả, trẻ cần: tiếp nhận thông tin, suy ngẫm xem nó sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ như thế nào, so sánh mức độ phù hợp của nó với những trải nghiệm của trẻ như thế nào và suy nghĩ xem từ thông tin đó, trẻ sẽ có những cách hành xử mới nào. Việc học tập đòi hỏi không chỉ có nhìn, nghe, chuyển động hay động chạm. Trẻ cần biết kết hợp những gì trẻ cảm giác và suy nghĩ được với những gì trẻ cảm nhận và ứng xử.

           - Phương pháp động não khi sử dụng đối với trẻ mầm non nên hướng dẫn trẻ cách trả lời các câu hỏi ngắn. Tất cả ý kiến của trẻ đều cần được GV khích lệ, thừa nhận. Đặc biệt, không phê phán các câu trả lời của trẻ và luôn khen ngợi trẻ đúng lúc. Cuối giờ thảo luận cần nhấn mạnh kết quả có được là thành quả của cả nhóm hoặc của tất cả các thành viên trong nhóm.

2.3.3. Tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng lớp điểm, tổ chức hội thi, hội giảng về hoạt động học “lấy trẻ làm trung tâm”

  Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ truyền đạt kiến thức cho các cháu một cách thụ động, GV mầm non cần tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. Tùy vào từng nội dung hoạt động giáo dục, GV cần tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường về các yêu cầu, nguyện vọng nhằm tổ chức tốt các hoạt động học “lấy trẻ làm trung tâm”. Mạnh dạn đề xuất nguyện vọng đi tìm hiểu thực tế và học hỏi chuyên môn tại lớp điểm của các trường mầm non (nếu điều kiện cho phép), để bản thân tích lũy được phương pháp tốt, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động học, tích cực tham ra hội giảng, hội thi GV dạy giỏi ở các cấp tổ chức.

 2.3.4. Xây dựng môi trường giáo dục mở, chuẩn bị tốt phương tiện, điều kiện thực hiện hoạt động học” lấy trẻ làm trung tâm”.

Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mĩ, tình cảm và kĩ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1; phù hợp với phương châm của Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo: "Học bằng chơi, chơi mà học". Đặc điểm của trẻ mầm non là luôn thích tìm tòi, khám phá. Do vậy, một môi trường với nhiều đồ dùng, đồ chơi, với các góc học tập “mở”, sẽ kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng. Nhà trường mầm non cần tạo điều kiện cho các bé vui chơi, học tập một cách tốt nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và hợp lí với từng đối tượng trẻ. GV cần dựa trên những gì đã biết và có thể làm, kế hoạch giáo dục của trường phải phản ánh được sự tiến bộ và phát triển của trẻ; tạo điều kiện tốt nhất cho các bé có thể vừa vui chơi lại vừa học tập được. Cung cấp các thiết bị vui chơi, giúp bé có cơ hội để phát triển các kĩ năng khác nhau như: sáng tạo, tư duy, khám phá, đoàn kết với bạn bè giúp tăng khả năng giao tiếp,…

 Ví dụ: Xây dựng góc học toán với các con số tinh nghịch, góc khám phá môi trường xung quanh, góc tạo hình, góc thơ truyện,... Các góc học mở được trang trí hình ảnh đẹp, vừa tầm mắt trẻ, đảm bảo tính thẩm mĩ, có sản phẩm của GV, của trẻ phong phú, đa dạng, màu sắc hài hòa. Sắp xếp các góc động xen kẽ góc tĩnh. Đối với trẻ 5 tuổi ưu tiên môi trường chữ số và chữ viết. Các góc học mở thường xuyên được thay đổi, bổ sung để phù hợp với từng chủ đề và hứng thú của trẻ.

2.3.5. Tổ chức tốt các hoạt động thực hành, trải nghiệm cho trẻ.

GV mầm non cần tổ chức nhiều hoạt động thực hành, trải nghiệm thiết thực, gần gũi để trẻ được tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ: Tổ chức các tiết dạy trẻ đong, đo nước, thực hành thí nghiệm về ánh sáng, không khí, vật chìm nổi, điều kì diệu của nước, của nam châm, thực hành pha nước cam, nặn bánh trôi,… dạy trẻ các kĩ năng thực hành, những kinh nghiệm trong cuộc sống. Tổ chức hoạt động ngoài trời, cho trẻ trải nghiệm gieo hạt và quan sát sự nảy mầm của hạt, trải nghiệm với cát, nước, sỏi,... để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, tạo cho trẻ tự tin, phát triển thể chất tốt. Khuyến khích trẻ giao tiếp cùng GV và các bạn, khuyến khích trẻ sáng tạo. Đồng thời, mỗi nhà giáo trong hoạt động công tác nghề cần làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho trẻ, để trẻ được tham gia học qua chơi bằng nhiều cách khác nhau.

3. Kết luận

Đặt trẻ vào vị trí “trung tâm” của hoạt động giáo dục, nằm trong chương trình giáo dục suốt đời của quá trình giáo dục, đi đôi với việc khẳng định vai trò của GV mầm non trong những năm gần đây. Giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” là mọi hoạt động giáo dục đều hướng vào và xuất phát từ đứa trẻ, việc dạy trẻ cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, hiểu biết, kinh nghiệm riêng của từng trẻ,... Trên đây là một số những biện pháp do cá nhân tác giả đề xuất và đã được thực nghiệm trên trẻ ở trường mầm non. Tùy vào điều kiện thực tiễn, các GV mầm non có thể vận dụng lồng ghép  một cách linh hoạt các biện pháp  nhằm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục mầm non, thực hiện tốt hoạt động giáo dục “ lấy trẻ làm trung tâm”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản giáo dục toàn diện thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.

Rất mong được quý độc giả chia sẻ và góp ý để nội dung bài viết  được áp dụng một cách thực tiễn nhất.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ GD-ĐT (2017). Chương trình giáo dục mầm non. NXB Giáo dục.

[2] Bộ GD-ĐT (2015). Điều lệ trường mầm non.

[3] Bộ GD-ĐT (2017, 2018, 2019). Tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên bậc học Giáo dục mầm non.

[4] Chu Mạnh Nguyên (2015). Giáo trình bồi dưỡng hiệu trưởng mầm non. NXB Giáo dục.

[5] Trần Thị Ái Liên. Bộ khóa học dành cho cha mẹ trẻ. Website.com Học cùng chuyên gia

 

 

 

 

 


Nguồn:cdspbacninh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội